Trang chủ » Tin tức - Sự kiện

Năm 2009: điện vẫn thiếu dù kinh tế suy giảm

Trả lời phỏng vấn một số tờ báo mới đây, lãnh đạo tập đoàn Điện lực (EVN) nói rằng năm 2009 sẽ không thiếu điện. Người ta có thể tin vào điều này trên cơ sở đã có những dự báo kinh tế suy giảm, nhiều doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp quy mô hoạt động, tạm ngưng hoạt động, phá sản, đời sống người dân cũng khó khăn hơn, phải tiết giảm chi tiêu. Tất cả những yếu tố này có thể làm cho nhu cầu tiêu thụ, sử dụng điện ở doanh nghiệp cũng như khu vực sinh hoạt giảm sút thì việc cung ứng điện sẽ đỡ căng thẳng hơn.

Tuy nhiên, nếu phân tích trên tất cả các yếu tố về cân đối cung - cầu điện trong năm 2008 và năm 2009, các phương án tăng trưởng điện theo yêu cầu, khả năng giảm tỷ lệ tổn thất điện năng của ngành điện thì có thế thấy, năm 2009, vẫn sẽ có nhiều thời điểm, điện vẫn thiếu và khả năng cắt điện nơi này, nơi khác vẫn xảy ra.

Năm 2008, hệ thống điện đã được bổ sung nhiều nguồn điện mới với tổng công suất tăng thêm trên 2.000MW, nâng tổng công suất phát điện của cả nước lên tới 14.780MW. Trong số đó, có thể kể những nguồn điện rất quan trọng như nhiệt điện Cà Mau 2 (750MW), thuỷ điện Tuyên Quang (2x113MW), nhà máy điện Nhơn Trạch 1 (300MW)… Một lượng điện năng khá lớn từ Trung Quốc, khoảng 560MW đã được nhập khẩu năm ngoái. Tổng lượng điện sản xuất trong năm đã đạt mức 74,17 tỉ kWh, tăng 10,8% so với năm 2007 tương ứng với lượng điện thương phẩm 66 tỉ kWh. Tuy nhiên, mức tăng đó vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu và đã xảy ra tình trạng thiếu điện nặng nề, liên tục cắt điện ở nhiều địa phương, gây khó khăn lớn cho sản xuất và đời sống.

Tình trạng thiếu điện có thể đỡ hơn trong năm nay, nhưng khả năng thiếu điện vẫn cao và chắc chắn xảy ra trong mùa khô. Ngay từ đầu năm 2009, hệ thống điện đã bị hao hụt 1.400MW do một loạt sự cố chưa được khắc phục như nhà máy điện Uông Bí mở rộng I, một tổ máy của nhà máy Phú Mỹ 4, sự cố về chất lượng khí cung cấp cho cụm nhà máy điện Cà Mau I và II. Năm nay, theo kế hoạch, dự kiến có thêm 13 nhà máy điện mới đi vào hoạt động với tổng công suất bổ sung trên 3.000MW. Trong đó, có một số nguồn khá lớn như: nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2 (công suất 2x300MW) dự kiến vận hành vào tháng 6.2009; nhiệt điện Quảng Ninh I (300MW), dự kiến đi vào hoạt động tháng 9.2009; thuỷ điện Bản Vẽ (2x160MW) dự kiến vận hành tổ máy 1 vào tháng 12.2009…

EVN đã đưa ra ba phương án tăng trưởng điện thương phẩm: 13% (thấp), 14% (phương án cơ sở) và 15% (cao). Tuy nhiên, với phương án tăng trưởng thấp nhất là 13% và dự báo nhu cầu điện cả năm khoảng 83,8 tỉ kWh thì toàn bộ nguồn điện của cả nước vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu trong mùa khô. Theo tính toán của một cơ quan thuộc bộ Công thương, vào mùa khô năm nay, tổng công suất điện đạt khoảng 13.790MW nhưng vẫn thiếu khoảng 276MW và sẽ không có nguồn dự phòng nào. Còn trong mùa mưa, tình hình tương đối tốt với tổng công suất huy động đạt khoảng 16.912MW, thừa so với nhu cầu 3.141MW và cả hệ thống có nguồn dự trữ cao nhất khoảng 18,8%.

Đó mới chỉ là những vấn đề phân tích trên lý thuyết. Thực tế, trong nhiều năm nay, hệ thống điện luôn xảy ra những sự cố trong cả vận hành và đầu tư xây dựng. Năm 2008, có thể thấy, hầu hết các công trình đều bị kéo dài tiến độ, không vào đúng theo kế hoạch mà tình trạng nhiều nhà máy không vào đúng kế hoạch dự kiến đã gây ra tình trạng thiếu điện nặng nề ở nhiều địa phương. Ngay cả các công trình đã đi vào vận hành thì nhiều công trình cũng liên tục bị nhảy ra khỏi hệ thống do vận hành lâu mà không được bảo dưỡng, do công nghệ mới phức tạp mà trình độ quản lý, vận hành có nơi còn chưa theo kịp. Tình trạng này chắc vẫn diễn ra trong năm 2009 và vẫn còn là một nguyên nhân gây thiếu điện. Tỷ lệ tổn thất điện năng mà EVN dự kiến giảm xuống từ 9,8% trong năm 2008 xuống 9,5% trong năm nay cũng không đáng kể để giúp cải thiện tình hình.

Nếu nền kinh tế đạt mức tăng trưởng như kế hoạch (6,5%), nhu cầu điện tăng ở các phương án cao hơn là 14% hay 15% thì tương ứng, mức độ thiếu điện sẽ tăng cao hơn nhiều so với mức thiếu hụt khoảng 276MW như theo phương án thấp (13%). Tuy nhiên, nếu tất cả các nguồn điện mới của năm 2009 đều vào đúng tiến độ và ít có sự cố với các công trình đang vận hành, tình trạng thiếu điện chỉ có thể xảy ra trong mùa khô chứ không thiếu điện cả trong mùa khô và mùa mưa như năm 2008.

Nhiều khả năng Chính phủ sẽ phê duyệt tờ trình của bộ Công thương về tăng giá điện (dự kiến 9,8%) trong tuần này. Nhưng giá điện tăng chỉ có ý nghĩa là để cho EVN, các nhà đầu tư có cơ sở để đầu tư thêm vào các nguồn điện mới. Vì các công trình đầu tư về điện thường phải mất ít nhất 3 – 5 năm để chuẩn bị dự án, thi công. Cho nên, cung ứng điện trong năm nay và 2 – 3 năm tới, về cơ bản vẫn phụ thuộc vào các nguồn điện đang vận hành và mới được đầu tư. Và do tổng số các nguồn điện này về cơ bản vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu, nên không chỉ năm nay mà năm 2010 – 2011, tình trạng thiếu điện vẫn tiếp diễn.

(theo: sgtt)

 

Joomlart
Designed: Hien Dai Hoa Jsc

lien ke van Canh HUD, du an van canh HUD, biet thu van Canh Hud, du an GELEXIMCO, du an cua HUD, biet thu tay nam linh dam, du an tay nam Linh Dam, du an xuan ngoc xuan phuong, biet thu xuan ngoc xuan phuong, lien ke xuan phuong xuan ngoc, du an TASCO, biet thu nam an khanh, du an nam an khanh sudico, lien ke nam an khanh sudico , biet thu nam an khanh sudico, du an nam an khanh, tranh tuong